Chiến tranh Mùa Đông Simo Häyhä

Häyhä với vết thương ở má trái vào năm 1940

Häyhä là xạ thủ bắn tỉa cho Lục quân Phần Lan trong Chiến tranh Liên Xô - Phần Lan 1939-40. Ông thuôc Đại đội 6 JR 34 trong Trận Kollaa. Nhiệt độ khi đó ở trong khoảng −40 °C (−40 °F) tới −20 °C (−4 °F). Ông mặc quần áo ngụy trang hoàn toàn là màu trắng. Ngược lại, quân đội Liên Xô không được cấp những bộ đồ ngụy trang màu trắng trong phần lớn cuộc chiến này, do đó họ dễ bị lính bắn tỉa quan sát trong điều kiện mùa đông. Stalin trước đó đã tiến hành thành thanh trừng nhiều chuyên gia quân sự vào cuối những năm 1930 nên vì thế Hồng quân rất thiếu tổ chức.[10]

Con số địch thủ bị bắn hạ được ông lập trong vòng chưa đầy 100 ngày, trung bình là 5 người mỗi ngày vào giai đoạn ánh sáng ban ngày là rất ít.[11][12][13] Thành tích diệt địch của một tay súng bắn tỉa dựa trên chính ghi nhận của tay súng đó, với sự xác nhận của đồng đội, và chỉ những người chắc chắn đã chết mới được tính, đồng thời không tính các mục tiêu bị nhiều người bắn vào. Số quân địch bị tiêu diệt bởi trưởng nhóm không được tính,[ai nói?] theo một số nguồn ước tính là hơn 200.[14]

Trong chiến tranh, "Cái chết trắng" là một trong những chủ đề hàng đầu được phía Phần Lan tuyên truyền.[15] Các tờ báo Phần Lan thường đăng tin về người lính Phần Lan vô hình, nhằm tạo ra một anh hùng có nhân dạng bí ẩn.[15][16]

Khi trao cho Häyhä một khẩu súng trường danh dự vào ngày 17 tháng 2 năm 1940, chỉ huy sư đoàn của Häyhä là A. Svensson ghi nhận thành tích bắn tỉa của ông là 219 và có số lần tiêu diệt tương đương bằng tiểu liên. Riêng vào ngày 21 tháng 12 năm 1939 ông tiêu diệt được 25 quân địch.[17] Trong nhật ký của mình, tuyên úy Antti Rantama ghi lại rằng số chiến công bằng súng bắn tỉa của Häyhä là 259 và số lần tiêu diệt tương đương bằng súng tiểu liên kể từ đầu chiến tranh cho đến ngày 7 tháng 3 năm 1940, một ngày sau khi Häyhä bị thương nặng.[2]

Một vài số liệu của Häyhä được lấy từ một tài liệu của Lục quân Phần Lan, tính từ lúc bắt đầu cuộc chiến vào ngày 30 tháng 11 năm 1939:

  • 22 tháng 12 năm 1939: 138 lần tiêu diệt bằng súng bắn tỉa[18] trong 22 ngày
  • 26 tháng 1 năm 1940: 199 lần tiêu diệt bằng súng bắn tỉa[19] (61 trong 35 ngày)
  • 17 tháng 2 năm 1940: 219 lần tiêu diệt bằng súng bắn tỉa[2] (20 trong 22 ngày)
  • 7 tháng 3 năm 1940 (khi Häyhä bị thương nặng): tổng cộng 259 lần tiêu diệt bằng súng bắn tỉa[2] (40 trong 18 ngày)

Häyhä sử dụng khẩu súng trường dân quân được phát, một khẩu SAKO M/28-30 mang số sê-ri 35281, mã số dân quân là S60974. Khẩu súng này là một khẩu súng trường Mosin Nagant được Dân quân của Phần Lan cải tiến được gọi là "Pystykorva" (nghĩa đen là "chó Spitz" do phần đầu súng trông giống đầu của một con chó đuôi cuộn) sử dụng đạn Mosin-Nagant 7.62×53R của Phần Lan. Ông thích ngắm bằng điểm ruồi hơn ống ngắm, vì điểm ruồi giúp người bắn khó bị kẻ thù bắn trúng hơn (tay bắn tỉa phải ngẩng cao hơn vài cm khi sử dụng ống ngắm); điểm ruồi cũng đáng tin cậy hơn khi trời lạnh vì ống ngắm dễ bị mờ; ống ngắm có thể bị phản chiếu bởi ánh sáng mặt trời khiến vị trí của xạ thủ bắn tỉa bị lộ. Häyhä cũng không được huấn luyện trước với súng bắn tỉa, do đó không muốn chuyển sang sử dụng súng bắn tỉa của Liên Xô (m/91-30 PE hoặc PEM). Ông thường xuyên tạo những đụn tuyết tuyết dày đặc trước vị trí của mình để giấu mình, cung cấp điểm tựa cho khẩu súng và giảm lượng tuyết bị khuấy động sau mỗi phát bắn. Ngoài ra ông còn ngậm tuyết trong miệng khi bắn để ngăn hơi thở tỏa ra trong không khí khi trời lạnh.[20]

Vào ngày 6 tháng 3 năm 1940, Häyhä bị thương ở hàm dưới bên trái bởi một viên đạn nổ bắn ra từ phía Hồng Quân.[21] Người đồng đội đỡ ông dậy nói rằng Häyhä bị "mất một nửa khuôn mặt của mình". Ông may mắn thoát chết và tỉnh lại vào ngày 13 tháng 3, ngày mà Hòa ước Moskva được ký kết. Ông tình cờ đọc được về cái chết của chính mình trên tờ báo và gửi một lá thư đến tờ giấy để đính chính.[9] Ngay sau chiến tranh, ông được Nguyên soái Phần Lan Carl Gustaf Emil Mannerheim thăng cấp từ alikersantti (Hạ sĩ) lên vänrikki (trung úy).[22]

Các hồi ức của Häyhä viết vào năm 1940 sau khi bị thương (chỉ được phát hiện vào năm 2017) cho người thấy một khía cạnh nhẹ nhàng, hài hước hơn của ông: "Sau Giáng Sinh, chúng tôi bắt gặp một gã người Nga, bịt mắt gã, làm gã chóng cả mặt và đưa gã tới một bữa tiệc trong lều của Nỗi kinh hoàng Maroc. Gã người Nga tỏ ra vui mừng vì được đãi rượu và tiếc nuối khi phải rời đi."[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Simo Häyhä http://www.apali.fi http://www.hs.fi/arkisto/artikkeli/Kollaa+kesti+ni... http://yle.fi/uutiset/ei_ne_osumat_vaan_se_asenne/... http://www.mosinnagant.net/finland/simohayha.asp http://mak.bn.org.pl/cgi-bin/KHW/makwww.exe?BM=1&N... https://www.geni.com/people/Simo-H%C3%A4yh%C3%A4/6... https://books.google.com/books?id=-mkh931pIugC https://books.google.com/books?id=5V_zSKwcLyUC&pg=... https://books.google.com/books?id=R948DQAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=R948DQAAQBAJ&pg=...